Thưởng thức những món ăn dân dã ngay giữa lòng thành phố.

2/3/13

"Con rồng thép" lớn nhất thế giới

Cầu Rồng là cây cầu thứ sáu bắc qua sông Hàn và cũng là cây cầu được nhiều người dân TP.Đà Nẵng mong đợi, quan tâm. Sau khi hoàn thành, cầu Rồng sẽ đăng ký kỷ lục Guiness là “con rồng thép lớn nhất thế giới”
Cầu Rồng Đà Nẵng

Cầu Rồng Đà Nẵng cùng với Cầu Trần Thị Lý là 2 công trình đang được xây dựng sẽ tạo thành hai cây cầu “độc nhất vô nhị” bắc qua sông Hàn (Đà Nẵng). Cầu Rồng đang được xây dựng với tiến độ rất tốt và sẽ hoàn thành sớm trước ngày kỷ niệm 38 năm giải phóng Thành Phố Đà Nẵng 29/3/1975- 29/3/2013.

Cuối năm 2005, Sau khi hoàn thành Cầu Thuận Phước thì Đà Nẵng đã tiến hành khởi động cây cầu thứ 6 bắc qua Sông Hàn – Cầu Rồng . Đầu năm 2006, Đà Nẵng tổ chức cuộc thi thiết kế kiến trúc cầu Rồng với sự tham gia của 7 đơn vị tư vấn thiết kế (gồm 4 công ty Việt Nam, 2 công ty Nhật Bản, 1 công ty Đức và 1 công ty Mỹ). Các công ty này đã trình bày 17 phương án thiết kế.

Tháng 10/2007, UBND Thành phố Đà Nẵng đã chọn phương án thiết kế cầu Rồng của Công ty Louis Berger Group, Inc. (Mỹ). Đến 17 tháng 12 năm 2008, UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt dự án. Ngày 19 tháng 7 năm 2009, Dự án Cầu Rồng được khởi công tại bờ đông sông Hàn.

Đến dự buổi lễ có thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Cầu Rồng  có tổng đầu tư lên tới 1498 tỷ 684 triệu đồng (khoảng 80 triệu USD) được xây dựng với tổng chiều dài cầu: 666.565 m bao gồm nhịp chính dài: 200m, hai nhịp bên mỗi nhịp dài: 128m. Cầu Rồng có chiều rộng 37,5 m và có 6 làn xe.

Gần đây Sở GTVT đã đề nghị UBND TP Đà Nẵng xem xét đăng ký kỷ lục Guinness thế giới đối với cầu Rồng với các kỷ lục đăng ký “Con Rồng thép lớn nhất”.  Với mô hình cầu Rồng Đà Nẵng thì ông Nguyễn Bá Thanh đã khẳng định đây là cây cầu làm cho người dân chứ không thiên về nghệ thuật. Theo Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng, hình dáng kiến trúc giải pháp kết cấu của Cầu Rồng ở Đà Nẵng  vừa có tính mới trên thế giới, vừa có tính độc đáo, sáng tạo, có giá trị thẩm mỹ cao, làm điểm nhấn kiến trúc, khai thác du lịch và có thể là biểu tượng mới của thành phố trong tương lai.

Thời gian qua, TP Đà Nẵng có những khó khăn tài chính nhất định, tuy lãnh đạo TP đã có những ưu tiên giải ngân, nhưng trong vài tháng gần đây mức vốn cấp cho công trình cầu Rồng chỉ đáp ứng 30% nhu cầu. Vốn ít đã khiến các nhà thầu phụ ngừng cấp vật tư; thiếu lương công nhân…

Mặc dù vậy, bằng sự nỗ lực của chủ đầu tư và nhà thầu Sở GTVT Đà Nẵng và Cienco 1, công trình cầu Rồng vẫn đang lao nhanh về đích, dáng Rồng thép đã hiển hiện trên sông Hàn.
Theo BQL dự án cầu Rồng cho biết, hiện công trình đã đạt 90% khối lượng. Trong gian đoạn năm mới 2013 nhưng trên công trình Cầu Rồng Đà Nẵng vẫn có rất nhiều công nhân tham gia lao động để đảm bảo tiến độ chung công trình. 3 đoạn vòm thép chính của thân Rồng đã hoàn tất việc hợp long nên người dân và du khách đã bắt đầu nhận ra dáng “Rồng bay” qua sông Hàn hướng ra biển Đông. Gói thầu nút giao thông và cảnh quan hai đầu cầu đã hoàn thành 50% khối lượng, gồm các hạng mục cọc tường chắn, nền đường bờ Đông, sàn cảnh quan bờ Tây và đang thi công cọc khoan nhồi hầm chui phía Tây, dự kiến hoàn thành tháng 1/2013. Từ thời điểm này sẽ bắt đầu thảm mặt đường, lát gạch vỉa hè, trồng cây, lát cỏ, 2 cầu thang bộ phía Đông để hoàn thành gói thầu đúng tiến độ. Hai gói thầu chiếu sáng cũng đang được triển khai đạt yêu cầu.

Dự án Cầu Rồng Đà Nẵng cùng với các công trình cầu đã và đang được xây dựng bắc qua Sông Hàn đã tạo ra nét đẹp riêng cho thành phố bên bờ Sông Hàn thơ mộng. Hy vọng Cầu Rồng cũng sẽ góp phần thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét